Banner top

Menu portal
Giới thiệu
Banner tin tức - sự kiện

Banner - Góp ý - Ý kiến
Kế hoạch
Banner thi đua - khen thưởng
Tổ chức đoàn thể
Thông tin tuyển sinh
Tổ chức đoàn thể
Hiển thị nội dung bài viết

Biện pháp thi GVCN giỏi: “Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường để nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp.”

27/03/2024
14:16:00
84

1. Tên biện pháp: “Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường để nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp.”

2. Nội dung biện pháp

2.1. Lý do chọn biện pháp

          Ngày 29/08/2023 UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 trong đó có nhiệm vụ “…Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong thực hiện Kế hoạch giáo dục của nhà trường”, khi xây dựng nhiệm vụ này, bản thân tôi cho rằng ngành giáo dục tỉnh ta chú trọng đến công tác phối hợp giáo dục học sinh đó chính là công tác chủ nhiệm lớp. Trong thời đại công nghệ số, vai trò của giáo viên chủ nhiệm ngày càng được coi trọng. Người giáo viên chủ nhiệm không chỉ là người thầy cố vấn, người bạn để học sinh trao đổi, chia sẻ tâm tư nguyện vọng mà còn là người kết nối, liên hệ giữa tập thể lớp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường với mục đích đạt được hiệu quả giáo dục tích cực, tối ưu.             

          Giáo viên khi được phân công đảm nhận công tác chủ nhiệm không dừng lại ở việc thực hiện nhiệm vụ của người giáo viên chủ nhiệm mà phải đến với học trò bằng trách nhiệm, lương tâm, tình yêu nghề của một người thầy. Vì vậy, có thể khẳng định giáo viên chủ nhiệm lớp có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách, phương pháp học tập, động cơ phấn đấu của mỗi học sinh trong lớp. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến người học, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục. Vậy nên việc xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc giáo dục học sinh là việc làm vô cùng quan trọng, không chỉ thực hiện trong thời gian ngắn hay một giai đoạn nào đó của quá trình giáo dục mà là nhiệm vụ lâu dài và phải thực hiện một cách nghiêm túc nhằm xây dựng một mối quan hệ bền vững sao cho tất cả những lực lượng này đều nhận ra được lợi ích của hoạt động giáo dục và từ đó có động lực để phối hợp với nhau. Từ thực tế trên, tôi mạnh dạn chọn biện pháp “Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường để nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp.”

2.2. Mục đích của biện pháp

Nghiên cứu và áp dụng biện pháp “Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường để nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp”, tôi hướng tới tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, tích cực giúp học sinh đạt được kết quả học tập và rèn luyện tốt nhất. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động giáo dục và hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện của học sinh lớp chủ nhiệm. Xây dựng tập thể lớp có kỉ luật, tự giác, tích cực trong học tập, sinh hoạt, có hành vi đạo đức tốt rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi. Hình thành, bồi dưỡng những phẩm chất cho học sinh: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

2.3. Cách thức tiến hành

2.3.1. Đánh giá thực trạng

2.3.1.1. Thuận lợi:

Trường trung học phổ thông Lê Trực được thành lập vào năm 1998 với quy mô hiện tại 24 lớp. So với các trường trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, trường trung học phổ thông Lê Trực tuổi đời còn trẻ nhưng đã có bề dày thành tích trong công tác dạy và học, ở đây nhiều thế hệ thầy cô không những có kinh nghiệm về chuyên môn mà còn cả về công tác chủ nhiệm lớp. Đó là cơ hội lớn cho tôi được học hỏi và trau dồi kinh nghiệm trên con đường sự nghiệp của mình.

 Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, Ban giám hiệu nhà trường, Đoàn trường đề ra kế hoạch cụ thể cho từng tháng trong suốt năm học.

Học sinh đều là con em địa phương có truyền thống hiếu học, phần lớn các em ngoan, chăm chỉ, có ý thức học tập tốt.

Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của phụ huynh học sinh cũng như các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường. Đó là điều kiện thuận lợi và là động lực để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục.

Lớp chủ nhiệm là học sinh cuối cấp (lớp 12), các em đã xác định rõ nhiệm vụ, động cơ học tập và rèn luyện từ đó có phương pháp học tập phù hợp để đạt được kết quả tốt nhất. Tập thể lớp đoàn kết, có ý thức giúp đỡ lẫn nhau.

2.3.1.2. Khó khăn

Địa bàn trường đóng phân bố rộng ở cả hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa nên việc quản lý học sinh còn gặp phải một số khó khăn nhất định.

Các em chủ yếu là con nông dân, đời sống kinh tế còn thấp ngoài thời gian đến trường nhiều em còn phải lo kiếm sống mưu sinh điều đó có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập.

Một số phụ huynh quá kỳ vọng vào việc học tập của con em mình cho nên khi có sự việc giáo viên chủ nhiệm phối hợp thì có thái độ bảo thủ, thiếu hợp tác.

Một bộ phận học sinh có ý thức học tập chưa cao, kỹ năng sống còn hạn chế, còn ham chơi lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại và mạng xã hội

+ Kết quả  khảo sát cuối năm học 2022-2023:

Năm học

Học lực

Hạnh kiểm

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

2022 - 2023

25 hs Giỏi

62,5%

38 hs Tốt

95%

15 hs Khá

37,5%

02 hs  Khá

5%

 

2.3.2. Trình bày biện pháp

Qua thực trạng trên để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp bản thân tôi vận dụng vào thực tế rất nhiều biện pháp trong đó các biện pháp tôi muốn chia sẻ sau đây chính là biện pháp phối hợp.

       2.3.2.1. Bám sát kế hoạch hoạt động của nhà trường, tranh thủ sự chỉ đạo của Ban giám hiệu.

        Ban Giám Hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch chung cho cả năm học, trong đó dự kiến các chủ đề, phân phối quỹ thời gian cho từng chủ đề, từng khối lớp (lứa tuổi) và phổ biến hướng dẫn tổ chức thực hiện cho giáo viên trong trường. Dựa vào kế hoạch năm học, giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể hàng tháng và hàng tuần cho lớp mình, bao gồm xác định chủ đề cho tháng, mục tiêu cần đạt được đối với từng học sinh, lựa chọn các hoạt động, sắp xếp lịch tuần và tiến hành tổ chức các hoạt động giáo dục hàng ngày theo kế hoạch dự định.

Trong quá trình giáo dục học sinh lớp chủ nhiệm có những việc giáo viên chủ nhiệm không đủ thẩm quyền để giải quyết cần phải có chỉ đạo, sự phối hợp vào cuộc của Ban giám hiệu nhà trường. Chẳng hạn việc vận động học sinh nghỉ học dài ngày, học sinh đánh nhau gây quả nghiêm trọng... Giáo viên chủ nhiệm định kì báo cáo với Ban giám hiệu về những khó khăn, các biện pháp đã thực hiện, kết quả đạt được để tranh thủ ý kiến chỉ đạo cũng như tác động hỗ trợ, phối hợp cần thiết.

2.3.2.2. Phối hợp với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của nhà trường

 Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là một tổ chức nòng cốt, có vai trò quan trọng trong việc phối hợp rèn luyện giáo dục đạo đức, nhân cách của mỗi đoàn viên, thanh niên. Trong công tác chủ nhiệm, tôi luôn chú trọng đến mối liên hệ với Đoàn trường, Chi đoàn và từng đoàn viên, thanh niên. Thực tế cho thấy nếu sự phối hợp giữa đoàn trường và giáo viên chủ nhiệm chặt chẽ thì kết quả giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm của học sinh sẽ đạt kết quả tốt hơn rất nhiều. Những vấn đề nhỏ như thực hiện nề nếp học sinh, vệ sinh, viết cam kết những điều không vi phạm, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động chung của nhà trường, phát động cuộc thi, các phong trào… nếu giáo viên chủ nhiệm quan tâm và sát sao, khích lệ học sinh đồng thuận với đoàn trường thì hiệu quả cũng được nâng lên. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên bám sát lớp, nắm chắc các diễn biến xảy ra trong lớp, các hoạt động phong trào mà đoàn trường, nhà trường phát động để có biện pháp giáo dục kịp thời và hiệu quả, cũng như khích lệ các em tham gia. Phải có mặt trong giờ chào cờ đầu tuần, các buổi sinh hoạt tập thể và thường xuyên quản lý kiểm tra ý thức học sinh của mình trong suốt buổi đó, có mặt vào đầu giờ học. Trực tiếp quản lý các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh. Tổ chức cho học sinh tham gia đầy đủ các hoạt động của nhà trường và đoàn thanh niên. Thường xuyên trao đổi thông tin với đoàn trường về tình hình học sinh của lớp mình.

Phối hợp với Đoàn trường không chỉ dừng lại ở việc giáo dục các em học sinh chậm tiến, các trường hợp gây gỗ, đánh nhau mất đoàn kết, các em học sinh nghỉ học dài ngày mà còn phối hợp giáo dục những kỹ năng sống cho các em thông qua các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhân ngày 20/11, 22/12, 26/3…Các em được trải nghiệm, được vui chơi, được hợp tác và chia sẻ từ đó sẽ hiểu, yêu thương nhau, xây dựng một tập thể lớp đoàn kết, hạnh phúc.

2.3.2.3. Phối hợp với giáo viên bộ môn

 Giáo viên bộ môn là những người trực tiếp đứng lớp, hiểu được năng lực học tập của học sinh ở bộ môn mình. Thông thường, giáo viên chủ nhiệm thường nắm bắt thông tin học sinh lớp mình qua kênh duy nhất là sổ ghi đầu bài và sổ điểm. Bản thân tôi nhận thấy những thông tin ở sổ đầu bài còn mang tính khái quát, đôi khi chưa phản ánh đúng thực trạng học tập của học sinh, đặc biệt là mặt mạnh, mặt yếu, năng khiếu, hoặc những phần cần uốn nắn cụ thể của từng em. Vì vậy ngoài các kênh thông tin trên, bản thân tôi luôn chú trọng trong công tác phối hợp với giáo viên bộ môn. Đó là những trao đổi trực tiếp với giáo viên bộ môn về hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lí của từng em để giáo viên bộ môn cùng phối hợp giảng dạy giáo dục. Ngoài ra, tôi còn chủ động xin phép giáo viên bộ môn dự giờ thăm lớp để nắm bắt quá trình học tập của lớp chủ nhiệm.

2.3.2.4. Phối hợp với phụ huynh học sinh lớp chủ nhiệm

Giáo dục gia đình là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp giáo dục. Song giáo dục gia đình vốn có đặc trưng riêng của nó. Hiện nay phần lớn giáo viên chủ nhiệm liên lạc với phụ huynh qua điện thoại, tin nhắn Vnedu. Bản thân tôi cũng sử dụng các kênh trên nhưng tôi thiết nghĩ với giải pháp đó giáo viên chủ nhiệm chỉ trao đổi và tiếp nhận được một lượng thông tin nhất định.Vì thế trong các giải pháp phối hợp với phụ huynh, tôi ưu tiên chọn giải pháp đi thực tế gia đình học sinh. Khi thực tế tại gia đình, tôi có thể hiểu được điều kiện, hoàn cảnh của từng học sinh để từ đó có sự quan tâm, biện pháp giáo dục thích hợp. Kịp thời tham mưu với Đoàn trường, nhà trường giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em vượt khó vươn lên trong học tập. Đối với những em chậm tiến khi phối hợp trực tiếp với phụ huynh cần sự khéo léo trong lời ăn tiếng nói để phụ huynh có thể thấu hiểu được những tâm tư nguyện vọng của giáo viên chủ nhiệm từ đó cùng phụ huynh tìm phương pháp giáo dục học sinh một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên phối hợp và giữ mối liên hệ với Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ nhiệm. Khi Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiệt tình trong các hoạt động, đặc biệt là các phong trào thi đua của lớp, của trường thì tất yếu phong trào học tập rèn luyện sẽ được thúc đẩy đem lại hiệu quả cao.

2.3.2.5. Xây dựng đội ngũ Ban cán sự lớp, chỉ đạo Ban cán sự lớp phối hợp trong việc quản lí và giáo dục học sinh.  

Vai trò tổ chức của giáo viên chủ nhiệm thể hiện trước hết trong việc thành lập bộ máy Ban cán sự lớp. Đây là một trong những nhiệm vụ đầu tiên được giáo viên chủ nhiệm quan tâm sau khi nhận lớp và cũng là một nhiệm vụ chiếm phần lớn thời gian của người làm công tác chủ nhiệm. Để lựa chọn một đội ngũ ban cán sự lớp có đủ phẩm chất và năng lực, giáo viên phải theo dõi, tìm hiểu, nắm bắt sát sao lớp trên tất cả các mặt, thực hiện nhiều hình thức khác nhau để tiếp cận, nắm bắt chính xác đối tượng. Từ đó, bước đầu có cái nhìn đúng đắn trong việc lựa chọn nhân sự. Tập thể lớp tự lựa chọn, bầu ra đội ngũ cán bộ lớp thông qua hình thức bỏ phiếu kín tại phiên Đại hội lớp - chi đoàn. Những học sinh nhận được phiếu tín nhiệm cao sẽ trở thành “cánh tay đắc lực” hỗ trợ cho giáo viên chủ nhiệm theo dõi, quản lý, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của tập thể lớp trong suốt năm học.

          Để phát huy được vai trò và vị trí của bộ máy này giáo viên chủ nhiệm phải dành thời gian hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể về cách thức thực hiện và triển khai công việc, sau khi ban cán sự đã quen dần với nhiệm vụ của mình, giáo viên chủ nhiệm giao dần cho đội ngũ cán bộ lớp tự tổ chức và điều khiển các hoạt động của lớp, giúp đỡ học sinh với tư cách là người cố vấn, điều chỉnh đúng hướng cho các em, đồng thời thông qua nhiều hình thức khác nhau để có kế hoạch bồi dưỡng và rèn luyện những kỹ năng cần có của một người cán bộ lớp. Qua ban cán sự tôi có thể nắm bắt được tình hình của lớp để có những hình thức tuyên dương động viên kịp thời và hạn chế những biểu hiện tiêu cực. Nhiều khi một lời khen, một cử chỉ động viên đúng lúc, kịp thời…có thể giúp học sinh có những tiến bộ vượt trội trong học tập cũng như nế nếp

3. Kết quả đạt được

Kết quả đạt được sau khi áp dụng giải pháp:

Năm học

Học lực

Hạnh kiểm

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

2022 - 2023

25 hs Giỏi

62,5%

38 hs Tốt

95%

15 hs Khá

37,5%

02 hs  Khá

5%

2023 – 2024 (Học kì 1)

30 hs Giỏi

75%

40 hs Tốt

100%

10 hs Khá

25%

0

0

Qua số liệu ở chất lượng học lực và hạnh kiểm của lớp chủ nhiệm trên tôi nhận thấy: Việc áp dụng đồng bộ biện pháp phối hợp trong công tác chủ nhiệm chất lượng lớp chủ nhiệm có sự chuyển biến rõ về học lực cũng như hạnh kiểm.

 Tỉ lệ học sinh giỏi học kì 1 năm học 2023 – 2024 tăng 12,5% so với cuối năm học 2022-2023. Tỉ lệ xếp loại hạnh kiểm tốt học kì 1 năm học 2023-2024 tăng 5% so với cuối năm học 2022-2023.

Học sinh đã hình thành các kĩ năng sống như: Kỹ năng giao tiếp, xử lí tình huống; Kỹ năng tự phục vụ bản thân; Kỹ năng ứng xử có văn hóa với mọi người xung quanh; Kỹ năng rèn luyện sức khỏe bằng tập luyện thể thao.

Học sinh lớp chủ nhiệm thực hiện tốt nội quy quy định của trường, lớp đề ra. Tham gia tích cực trong các phong trào thi đua của Đoàn trường phát động. Trong học kì I năm học 2023-2024 lớp xếp vị thứ Nhất toàn trường.

Học kì I năm học 2023-2024 các em giành được nhiều giải thưởng như: 1 giải Nhất cuộc thi viết về thầy cô và mái trường do Công ty TNHH Sách – Văn hóa Thời Đại tổ chức; 1 giải Nhì môn Ngữ văn; 1 giải Nhì, 2 giải khuyến khích môn Toán; 1 giải Nhì môn Vật lý; 1 giải Ba môn Tiếng Anh tại kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh….

Phụ huynh luôn tin tưởng giáo viên chủ nhiệm, thường xuyên phối hợp trong công tác giáo dục học sinh, chủ động trao đổi về tình hình con em mình cho giáo viên chủ nhiệm để cùng giáo dục hiệu quả.

           Trên đây là chia sẻ của tôi về biện pháp “Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường để nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp.” Kính mong Ban giám khảo, các cấp lãnh đạo, bạn bè đồng nghiệp góp ý xây dựng để biện pháp này hoàn thiện hơn, chỉnh chu hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

                                                                Tuyên Hóa, ngày 10 tháng 03 năm 2024

                                                                             Người viết báo cáo

 

 

                                                                             Nguyễn Thị Thanh Nhàn

 

 

 

 

 

[Trang chủ]
Hiển thị danh sách bài viết
Banner - Thư viện ảnh

Banner - Thư viện video
Banner - Bộ giáo dục và đào tạo
Banner - Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình
CHUYÊN MỤC CHUYỂN ĐỔI SỐ
Liên kết website
Footer

TRƯỜNG THPT LÊ TRỰC

Email: thpt_letruc@quangbinh.edu.vn

Địa chỉ: Thôn Tân Thủy, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.